Lãi suất huy động dự kiến sẽ tiếp tục giảm, song không thể giảm sâu, bởi như vậy sẽ khó huy động do người dân không gửi tiết kiệm, mà đầu tư vào các kênh khác.
Mặc dù trần lãi suất cho vay đã được đưa về mức dưới 15%/năm, đồng thời các ngân hàng đã triển khai tích cực việc giảm lãi suất khoản vay cũ và ưu đãi chi phí vay vốn cho khách hàng mới, nhưng theo nhiều doanh nhiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, để ổn định và phát triển bền vững, thì lãi suất cho vay nên ở mức dưới 10%.
Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp khuyến nghị nên khoanh nợ, giãn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho doanh nghiệp có thành phẩm tốt, kích thích thị trường, đồng thời, lãi suất cho vay phải từng bước điều chỉnh giảm thêm. Lý do là, so với các thị trường khác trên thế giới, mặt bằng lãi suất cho vay của Việt Nam đang ở mức khá cao, nên làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Điều này cũng đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chia sẻ với các doanh nghiệp tại TP.HCM. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây cũng là mong muốn của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
“Nếu lạm phát năm nay dưới 7%, thì cuối năm, lãi suất huy động sẽ giảm xuống 8%. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, không thể giảm lãi suất huy động quá mạnh, vì người dân sẽ không gửi tiết kiệm, mà đầu tư vào các kênh khác. Như vậy, ngân hàng khó huy động để cho vay. Do đó, lãi suất đầu vào có thể sẽ giảm thêm chút nữa, song phải hết sức thận trọng”, ông Bình nhấn mạnh.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện cho lãi suất cho vay giảm. Tuy nhiên, lúc này, chưa có điều kiện giảm ngay, vì một số ngân hàng thời gian qua đã huy động cao, nên chưa tiêu thụ hết vốn giá cao.
Theo đánh giá của một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, có khả năng đưa lãi suất xuống 10%, nếu thực hiện tốt ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế ổn định lạm phát, nhưng ít nhất cũng phải sang năm tới. Lý do là, khi trần lãi suất huy động giảm sâu thì các kênh đầu tư khác trở nên hấp dẫn hơn đối với những người có tiền nhàn rỗi.
Trong đó, với giá bất động sản đã rất thấp hiện nay, có người sẽ nghĩ đến phương án rút tiền tiết kiệm để mua nhà, để chuyển sang đầu tư vào thị trường khác có lợi hơn, như thị trường ngoại tệ và vàng.
Vì thế, theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đến cuối năm nay, lạm phát có thể xuống 8%, song lãi suất huy động vốn ở mức 9% là phù hợp, không nên giảm thêm.
Thực tế, hiện tại, lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng vẫn có tình trạng “xé” trần quy định. Các ngân hàng nhỏ thừa nhận, nâng chi phí huy động là tự sát, nhất là khi đầu ra không còn thuận lợi như trước đây, song do mức trần 9% được cào bằng và lợi thế thuộc về ngân hàng lớn, nên khó xóa được tình trạng vượt rào lãi suất ở nhà băng quy mô nhỏ.
Nhận định về hoạt động ngân hàng, Báo cáo về triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam của Standard Chartered vừa công bố cho rằng, lãi suất sẽ còn giảm thêm lần nữa trong năm nay.
Theo dự báo của Standard Chartered, GDP của Việt Nam sẽ tăng 5% trong năm 2012, thấp hơn so với mức dự đoán trước đó là 5,8%. Đồng thời, lạm phát tại Việt Nam đã hạ nhanh hơn dự đoán ban đầu và có thể sẽ hạ xuống mức bình quân 8,8%/tháng (so với mức cùng kỳ năm trước) trong năm 2012, từ mức bình quân 18,7%/tháng trong năm 2011. Vì thế, Standard Chartered cho rằng, lãi suất tái đầu tư cũng được dự đoán sẽ hạ từ mức 11% hiện nay xuống 9% vào cuối năm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét