Thứ Hai, 2 tháng 7, 2012

Các ngân hàng lớn sẽ biến mất trong tương lai?

Nhận định này chắc chắn khiến nhiều người ngạc nhiên bởi các định chế tài chính hàng đầu thế giới trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc. 
 
Bài liên quan : <<  Ngân hàng Habubank Xóa Nợ Thành Công>>
                         <<  Ngân hàng Habubank Tự Tin Phát Triển>>
Những ngày tháng tươi đẹp đối với các định chế tài chính xuyên quốc gia có thể đã kết thúc. Nhận định này chắc chắn khiến nhiều người ngạc nhiên bởi các định chế tài chính hàng đầu thế giới trong những năm gần đây đã có những bước phát triển vượt bậc. Bước qua nhiều lần khủng hoảng, các ngân hàng lớn sống sót, thâu tóm những ngân hàng yếu kém và dường như trở nên “bất khả chiến bại”.

Ngày nay, khoảng 10 định chế tài chính lớn nhất thế giới quản lý 77% tổng số tài sản tài chính. Không chỉ “quá lớn để phá sản”, các ngân hàng này được dự báo sẽ ngày càng vững mạnh. Tuy nhiên, liệu các ngân hàng này sẽ tiếp tục vươn lên và thống trị trong tương lai hay ngược lại sẽ bị nhấn chìm bởi khủng hoảng? 

Trước hết, trong nội tại các ngân hàng lớn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn. Với vai trò là người quản lý quỹ và nhà đầu tư tổ chức, các ngân hàng là bên mua trong khi với vai trò là người bảo lãnh và người giao dịch, họ lại là bên bán. Khi là nhà tư vấn tài chính, các ngân hàng đảm nhận cả 2 vai trò. Ăn sâu vào cơ cấu tổ chức, chiến lược và các quyết định của các ngân hàng lớn, những mâu thuẫn này khiến ngân hàng lâm vào tình trạng xung đột với lợi ích chung. 

Các định chế tài chính khổng lồ cũng có những yếu kém về cơ cấu khiến các lãnh đạo cấp cao khó có thể điều hành hiệu quả. Quyền lực ngày càng tập trung vào những lãnh đạo cấp trung vốn là những người hay có các quyết định rủi ro thậm chí là vô trách nhiệm. Các lãnh đạo cấp cao phải quản lý và giám sát quá nhiều hoạt động xảy ra tại các đơn vị xa xôi. Do thiếu thời gian và công cụ để có thể điều hành một cách sát sao, họ bắt buộc phải phụ thuộc vào tính trung thực của người khác. 

Đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra để hạn chế sự bất cẩn tồn tại trong các định chế tài chính lớn. Tuy nhiên, các luật lệ với hàng tá các điều được làm và không được làm không phải là giải pháp có thể kiểm soát được hành vi của họ. Nâng tỷ lệ vốn yêu cầu cũng không phải là cách làm đúng đắn. Thậm chí, để có được tỷ lệ vốn như mong muốn, các ngân hàng còn tiến hành các hoạt động rủi ro hơn. 

Sức mạnh của các định chế tài chính toàn cầu cũng đang bị suy giảm. Sáng tạo ra các sản phẩm mới và áp dụng công nghệ cho phép các ngân hàng đi trước các nhà quản lý hàng thập kỷ. Tuy nhiên, giờ đây khoảng cách đã bị thu hẹp lại. Với khủng hoảng 2008, cả nhà đầu tư và cơ quan quản lý đều nhận ra những cải tiến này không thể đa dạng hóa rủi ro. 

Công nghệ thông tin giờ đây lại trở thành công cụ của các nhà quản lý. Không khó để hình dung trong một ngày không xa tất cả các dữ liệu về giao dịch, nợ, đầu tư, thay đổi trong tài sản… ngay lập tức được các nhà quản lý nắm bắt. 

Thậm chí, trong tương lai xa hơn, Chính phủ nắm quyền điều hành toàn bộ các ngân hàng thông qua mạng lưới điện toán đám mây. Chi nhánh ngân hàng trở nên lỗi thời bởi khách hàng thực hiện giao dịch trên các thiết bị cầm tay.

Sự thay đổi này chắc chắn sẽ không làm hài lòng các ngân hàng lớn, đặc biệt là khi họ đang nắm vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Các cổ đông mới là những người cần hối thúc hành động. Các ngân hàng cần phải xóa bớt một số hoạt động và chỉ tập trung vào các nghiệp vụ cốt lõi. Chiến lược này mang lại lợi ích cho các ngân hàng, cho thị trường tài chính cũng như cho toàn bộ nền kinh tế. 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét